Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Lượt xem: 2969

Nhà Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tại Hà Nội, là một công trình kiến trúc xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam. Trên 90 năm, công trình này vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị cao về nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, giúp công chúng hiểu hơn về một địa danh văn hóa độc đáo của Hà Nội.

 

Toàn cảnh Bảo tàng Louis Finot nhìn từ trên cao, tháng 10/1954.

Nhân dịp chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2022) và kỷ niệm 90 năm khánh thành công trình tòa nhà bảo tàng (1932 - 2022), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia”, giới thiệu với khách thăm quan những tư liệu, hình ảnh gắn với lịch sử ngót một thế kỷ tồn tại của công trình cũng như những tri thức, kinh nghiệm quý giá cần nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

Trưng bày được tổ chức với 3 nhóm nội dung theo 3 chủ đề, mỗi chủ đề giới thiệu những tư liệu, hiện vật phản ánh một thời kỳ lịch sử của địa danh văn hóa này, qua đó, giúp khách thăm quan hiểu hơn về hành trình hơn 90 năm hình thành và phát triển của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày nay.

Trong đó, chủ đề nội dung thứ nhất “Lịch sử hình thành giới thiệu bối cảnh ra đời, quá trình xây dựng công trình, giai đoạn đầu hoạt động của Bảo tàng dưới sự quản lý của người Pháp (1932 - 1957) và những giá trị kiến trúc tiêu biểu”. Khối tư liệu, hiện vật nhóm nội dung thứ hai có chủ đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia” giới thiệu mốc lịch sử quan trọng trong bước ngoặt chuyển giao công trình và cơ sở vật chất cùng khối tài liệu, hiện vật cho Chính phủ Việt Nam (1945 - 1946) và quá trình tiếp nhận, các đợt chỉnh lý chuyển đổi nội dung, cải tạo không gian kiến trúc phục vụ lưu giữ, trưng bày nhưng công trình bảo tàng vẫn giữ đúng chức năng và giá trị kiến trúc.

Chủ đề 3 mang tên “Bảo tàng Lịch sử quốc gia - chặng đường mới” cho thấy qua 90 năm tồn tại, dù thay đổi chủ thể quản lý, nội dung, hoạt động, đối tượng khách tham quan, nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa, nhưng công trình vẫn giữ nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu và được sử dụng đúng công năng vốn có; bản thân công trình cũng đã trở thành di sản mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mang trọng trách quản lý, sử dụng di sản quý giá này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự khai mạc Triển lãm Những tài liệu lịch sử của văn hóa Việt Nam tổ chức tại Quốc gia Bảo tàng viện, ngày 9/2/1946.

Trải qua thời gian, chi tiết một số hạng mục của công trình không tránh khỏi xuống cấp, hệ thống trưng bày, trang thiết bị trở nên lạc hậu trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nội ngoại thất công trình bảo tàng đứng trước yêu cầu phải sửa chữa, bảo tồn kiến trúc bảo đảm tồn tại lâu dài... Trưng bày mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 3/2023.

Theo ĐCSVN.vn

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1