Sốt xuất huyết và cách phòng tránh
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và muỗi cái Aedes là trung gian truyền bệnh. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa nhất là vào các tháng từ tháng 6 đến tháng 11. Biểu hiện của bệnh Sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, bệnh diễn biến phức tạp có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ gây tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh Sốt xuất huyết chủ yếu do virus Dengue gây nên. Ở Việt Nam có hai loài muỗi chính truyền bệnh Sốt xuất huyết đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Đây là loài muỗi nhỏ, màu đen hoặc hơi nâu đen, trên thân mình và chân có các vằn trắng, ưa thích hút máu người. Chúng thường tăng cường đốt người vào buổi sáng sớm và chiều muộn hoặc hoạt động cả ngày trong những căn phòng thiếu ánh sáng. Virus Dengue không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Chu kì lây nhiễm chủ yếu của bệnh: đầu tiên muỗi cái Aedes hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, tiếp theo virus này ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 – 11 ngày rồi tiếp tục trong thời gian đó truyền bệnh cho người, virus đi vào cơ thể người rồi tiếp tục quay lại vòng tuần hoàn như trên.

1. Triệu chứng của Sốt xuất huyết Dengue:

Sốt cao:

Biểu hiện đầu tiên của bệnh Sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.
Xuất huyết (chảy máu) nhiều dạng:
- Xuất huyết dưới da: trên mặt da có những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi hoặc côn trùng đốt bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là do vết muỗi hoặc côn trùng đốt.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.
- Nôn hoặc đi ngoài ra máu (chất nôn có màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).
- Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị Sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ rất nguy hiểm vì có thể gây mất máu nhiều…

Đau bụng

- Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn…
Dấu hiệu sốc:
Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh Sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc người bệnh đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:
- Mệt, li bì hoặc vật vã.
- Chân tay lạnh.
- Tiểu ít, có thể kèm theo nôn hoặc đi ngoài ra máu.

2. Biến chứng:

Biến chứng thường gặp và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong là thoát huyết tương. Đó là hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo nước, dẫn đến mất một lượng nước lớn trong tuần hoàn gây trụy mạch. Nguy hiểm hơn, nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây bụng to, cổ chướng.
Loại biến chứng thứ 2 gây nguy hiểm là xuất huyết bất thường do rối loạn yếu tố đông máu như chảy máu cam dữ dội, rong kinh, chỗ tiêm bị bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng (não, phổi)...
- Hôn mê và hội chứng não cấp, phù não nặng.
Biến chứng khác
- Tim: Tràn dịch màng ngoài tim, suy mạch vành rối loạn dẫn truyền, phù nề, xuất huyết cơ tim.
- Phổi: Tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp.
- Thận: Suy thận cấp.
- Tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tinh hoàn, phù thiểu dưỡng, sảy thai đẻ non ở phụ nữ có thai.

3. Phòng bệnh Sốt xuất huyết:

Hiện nay bệnh Sốt xuất huyết Dengue chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường, sống sạch sẽ; Chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy /loăng quăng tại hộ gia đình cụ thể như sau:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng: đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu, các vật dụng chứa đựng nước; Thay nước, thau rửa chum, vại, lu thường xuyên; Vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ...; Loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như: hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa quanh nhà; Bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn (tủ đựng chén bát).
- Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài che kín tay chân; Ngủ trong màn kể cả ban ngày; Dùng các biện pháp thông thường để xua và diệt muỗi như: dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình. Người bị sốt xuất huyết hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.
Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh Sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có Sốt xuất huyết”.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập