Hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển

Hưởng ứng tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” được triển khai từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 10 năm 2022.

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của con người, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao thể trạng và đẩy lùi bệnh tật. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực là rất cần thiết để tăng sức đề kháng với mỗi người.  

 Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển tiếp tục khẳng định vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người, là nền tảng để cải thiện giống nòi và đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Dinh dưỡng được hiểu đơn giản là những đồ ăn, thức uống được dung nạp vào cơ thể qua các bữa ăn để đảm bảo các hoạt động hàng ngày cũng như duy trì sự sống của con người. Vì một lý do nào dẫn đến thiếu hoặc thừa dinh dưỡng đều có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Thiếu dinh dưỡng dễ dẫn đến suy kiệt cơ thể, suy dinh dưỡng bào thai, sảy thai, đẻ non… thừa dinh dưỡng có thể dẫn đến béo phì, tăng huyết áp cũng như một số bệnh về tim mạch khác. Khi đã mắc bệnh thì sức khỏe bị suy giảm, kéo theo đó là tốn kém về kinh tế trong điều trị, cũng như giảm thu nhập của gia đình khi năng suất lao động bị giảm. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe, ổn định kinh tế gia đình và cải thiện giống nòi, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương.

Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng thì chế độ ăn cần cân đối 4 yếu tố: Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng; cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật); cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật); cân đối về vitamin và khoáng chất.

Để đạt được sự cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng thì lượng chất đạm (protein) phải đạt từ 13 - 20%; chất béo (lipid) từ 20 - 25% và tinh bột (carbohydrate) từ 55 - 65% trong bữa ăn hằng ngày.

Bên cạnh đó mọi người dân cần đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn cần phải có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm, bao gồm: 

Nhóm lương thực (gạo, mì) là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.

Nhóm các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc,…) là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể; nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp chất đạm động vật và canxi quan trọng cho cơ thể.

Nhóm thịt các loại, cá, hải sản. Nhóm này cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axít amin cần thiết mà cơ thể người không tự tổng hợp được; nhóm trứng và các sản phẩm của trứng là nguồn cung cấp chất đạm động vật và nhiều chất dinh dưỡng quý cho cơ thể.

Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ (cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua) hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Loại rau càng sẫm màu càng có giá trị dinh dưỡng với cơ thể.

Nhóm rau củ quả khác (su hào, củ cải...) cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Và nhóm dầu ăn, mỡ các loại là nguồn cung cấp năng lượng và các axít béo cần thiết cho cơ thể.

Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo các chuyên gia khuyến cáo vận động thường xuyên tại nhà cũng giúp chúng ta phòng bệnh hiệu quả. 

Vì vậy, mỗi người dân hãy thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh sẽ tạo thành thói quen có lợi cho sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng để có một sức khỏe tốt phòng, chống lại dịch bệnh. 

Hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 16 - 23/10/2022 với Chủ đề: “Thực hiện dinh dưỡng hợp lý vì một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển toàn diện” chúng ta cần thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế như:

1. Sử dụng đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương;

2. Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây; các thực phẩm giàu chất xơ, giàu vi chất dinh dưỡng;

3. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm;

4. Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ;

5. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; đọc kỹ nhãn mác và các thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm trước khi mua và sử dụng.

Mọi người đều có quyền bình đẳng để có được bữa ăn dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh! 

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Thu Hạnh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập